Nhiều chính sách xúc tiến, quảng bá hình ảnh của Du lịch Việt Nam tới khách Âu đã được thực hiện nhưng hiệu quả những chính sách này tới đâu? Những kết quả của những hội thảo như thế này liệu có thiết thực và được áp dụng vào những kế hoạch marketing cho du lịch Việt Nam? Những câu hỏi trên tuy chưa có những lời giải đáp chính thức, thoả đáng, nhưng cũng cần trân trọng những nỗ lực tổ chức những diễn dần như vậy để trao đổi và mang hình ảnh Việt Nam tới gần hơn với khách du lịch, nhưng quan trọng hơn là lắng nghe những vấn đề tồn tại, những chướng ngại đang ngáng đường tới Việt Nam của khách quốc tế.

H- Tại TP Đà Nẵng, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch, UBND TP Đà Nẵng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổ chức hội thảo “Việt Nam – Điểm đến của khách du lịch châu Âu”, với sự tham dự của đại diện 6 đoàn khảo sát du lịch (FAM) đến từ các nước châu Âu cùng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

Tại hội thảo, đại biểu tham dự được giới thiệu về chính sách, sản phẩm mới của du lịch Việt Nam nói chung, của Đà Nẵng và các tỉnh, thành miền Trung nói riêng. Trong đó nhấn mạnh đến việc phát triển du lịch có trách nhiệm và vì lợi ích của cộng đồng. Được biết, sau khi Chính phủ Việt Nam quyết định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Belarus, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Tổng cục Du lịch, Tổng công ty Hàng không Việt Nam triển khai chiến dịch xúc tiến mạnh mẽ để thu hút nhiều hơn du khách châu Âu đến Việt Nam.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, Việt Nam đón khoảng 1 triệu khách châu Âu đến tham quan, nghỉ dưỡng, chiếm 15% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Chính vì vậy việc tổ chức hội thảo này nhằm tạo sự tiếp xúc gần gũi, cung cấp thông tin, giao lưu giữa các doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và các doanh nghiệp du lịch của châu Âu, để góp phần tăng trưởng nhanh khách châu Âu sang Việt Nam.

Bà Mery McKeron, Trưởng nhóm tư vấn Chương trình Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ cho rằng: Việt Nam là đất nước có nhiều danh thắng đẹp, nhiều di sản thiên nhiên và di sản văn hóa được tổ chức UNESCO công nhận, là điểm đến rất hấp dẫn đối với du khách, vì vậy Chính phủ Việt Nam cần đưa ra chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến sẽ miễn visa cho công dân 22 nước nhưng hiện nay mới có 6 nước. Trung bình khách châu Âu đến Việt Nam chiếm khoảng 15% trong tổng số khách quốc tế với tổng thời gian lưu trú trung bình là 13,29 ngày.

Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lượng khách từ 5 nước Tây Âu đến Việt Nam dù tăng trong 3 năm qua, từ 559.317 lượt lên 635.489 lượt nhưng vẫn thấp hơn lượng khách Tây Âu vào Thái Lan (2,5 triệu lượt trong năm 2014). Hiện Việt Nam chỉ đứng thứ 4 trong nhóm các nước Đông Nam Á có khách Tây Âu đến du lịch nhiều nhất. Trong 8 tháng đầu năm 2015, lượng khách từ 12 nước Tây Âu đến Việt Nam đã giảm khoảng 3%; chỉ có lượng khách 2 nước Tây Ban Nha, Italia tăng nhẹ.

Do đó, Hội thảo “Việt Nam – Điểm đến của khách du lịch châu Âu”, thêm lần nữa, khẳng định quyết tâm của ngành du lịch trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, tạo điều kiện cho sự tiếp xúc, giao lưu, tọa đàm giữa các doanh nghiệp du lịch châu Âu và doanh nghiệp Việt Nam, hứa hẹn những kết quả hợp tác tốt đẹp trong tương lai gần.

Với quyết tâm trên, hy vọng toàn ngành du lịch sẽ có nhiều những hoạt động xúc tiến hơn nữa, tận dụng mọi lợi thế hiện để thu hút nhiều khách hơn nữa. Nhưng quan trọng hơn cả là việc đảm bảo chất lượng của dịch vụ, đón khách thật nhiều, càng nhiều càng tốt, nhưng phải làm hài lòng khách đến vừa lòng khách đi, để rồi khách còn quay trở lại.

Nguồn: Báo Văn hoá

Ha Pham ST